HOC BAC

CÁC CẤP HỘI PHỤ NỮ HUYỆN PHÚ RIỀNG CHÚ TRỌNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG HỘI

Chủ nhật - 19/05/2024 09:00
 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” là chủ đề trọng tâm xuyên suốt trong các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) từ trung ương đến cơ sở. Thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Phú Riềng đã và đang tích cực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai, tổ chức thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.


Cán bộ Hội cơ sở huyện Phú Riềng tham gia tổ công nghệ số cộng đồng
hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Hội LHPN huyện Phú Riềng hiện có 15.884 hội viên, trong đó hội viên khối nông thôn trên 10.000, sinh hoạt ở 82 chi hội, 305 tổ hội. Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội và phong trào phụ nữ. Mở đầu trong đổi mới phương thức hoạt động của Hội phụ nữ (HPN) đó là việc ứng dụng phần mềm quản lý hội viên. Trước đây, công tác quản lý hội viên của Hội chủ yếu làm thủ công nên việc cập nhật các thông tin hội viên mất nhiều thời gian, khó lưu trữ và độ chính xác chưa cao. Sau khi Hội LHPN Việt Nam triển khai đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hội viên trên toàn quốc, Hội LHPN huyện đã tổ chức hướng dẫn cán bộ Hội cơ sở sử dụng phần mềm với các ứng dụng như: cơ cấu tổ chức, quản lý hội viên, theo dõi cán bộ hội…bước đầu phần mềm đã giúp cán bộ Hội thuận tiện hơn, nhanh và chính xác hơn trong công tác quản lý theo dõi hội viên, tỷ lệ phát triển hội viên… Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hội LHPN huyện Phú Riềng thực hiện tối ưu hiệu quả việc khai thác văn bản chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của huyện; hệ thống văn bản điện tử của tỉnh. Qua đó, các cấp hội đã thực hiện việc gửi - nhận văn bản trên môi trường mạng, góp phần giúp cán bộ hội xử lý công việc khoa học và hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Nắm bắt xu hướng và thế mạnh truyền thông trên mạng xã hội, Hội LHPN huyện đã thành lập và vận hành hiệu quả Fanpage PHỤ NỮ PHÚ RIỀNG. Hiện fanpage đang thu hút gần 13 ngàn người theo dõi, mỗi tháng tiếp cận khoảng 5 ngàn lượt tương tác; 10/10 Hội cơ sở đều có trang fanpage và nhóm zalo để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đăng tải các thông tin, tuyên truyền hoạt động, các công trình, phần việc được các cấp Hội thực hiện, những tấm gương phụ nữ tiêu biểu... Từ đó giúp hội viên dễ dàng tiếp cận được những thông tin hữu ích, để các phong trào chung của hội có sức lan tỏa sâu rộng hơn trong hội viên và nhân dân.
Cùng với việc ứng dụng mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền, rất nhiều cuộc họp, hội nghị, chương trình triển khai nhiệm vụ của Hội… được triển khai bằng hình thức trực tuyến, vừa đảm bảo an toàn, đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, mở rộng số lượng và đối tượng được cung cấp thông tin; góp phần tích cực vào việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo HPN từ huyện đến cơ sở.

Cán bộ, hội viên nòng cốt cấp huyện và cơ sở tham gia tập huấn chuyển đổi số
Cán bộ Hội tham gia thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng, tích cực tuyên truyền hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, cài đặt kích hoạt tài khoản định danh điện tử; phối hợp chặt chẽ với các quỹ tín dụng, ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh đến hội viên, Nhân dân và các hộ kinh doanh, từng bước hình thành thói quen thanh toán các khoản chi phí qua công nghệ số, tạo những tiện ích và tiết kiệm được thời gian. Ngoài ra, nhờ công nghệ chị em phụ nữ tạo các nhóm để chia sẻ tâm tư tình cảm, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan học giỏi. Sử dụng Youtube, facebook xem, tải các điệu nhảy dân vũ để tập luyện và quay lại các bài nhảy trong các chương trình giao lưu đăng trên các trang facebook của Hội, của cá nhân, góp phần thúc đẩy phong trào nhảy dân vũ thể thao trên địa bàn ngày càng phát triển. Chuyển đổi số cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho hội viên phụ nữ chuyển từ mô hình khởi nghiệp kinh doanh truyền thống sang tiếp cận với các nền tảng số giúp khởi nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn rất nhiều. Thời gian qua, các cấp Hội tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng trên nền tảng công nghệ số, kết nối nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm ra; hội viên, phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc vận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trên địa bàn huyện hiện có một số mô hình phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng số bước đầu thành công và được đánh giá hiệu quả cao, tiêu biểu nhất là mô hình kinh doanh hạt ngũ cốc dinh dưỡng của hội viên Phạm Thị Trang (Long Hưng) và nhiều mô hình kinh doanh khởi nghiệp của phụ nữ đang từng bước tiếp cận nền tảng số.
Từ thực tế chuyển đổi số trong các cấp HPN huyện Phú Riềng thời gian qua, có thể thấy HPN từ huyện đến cơ sở huyện Phú Riềng đã nhận thức rõ tính tất yếu của chuyển đổi số cũng như hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong công việc, cuộc sống. Từ đó đã chủ động khai thác tối ưu hiệu quả của công nghệ số trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống.

Tác giả: VP Huyện ủy

Nguồn tin: Lưu Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây