GIÁO VIÊN NGỮ VĂN VỚI VIỆC BỒI ĐẮP LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC CHO HỌC SINH THPT (Kỳ 1)
2024-08-14T03:55:40-04:00
2024-08-14T03:55:40-04:00
https://huyenuy.phurieng.binhphuoc.gov.vn/khoa-hoc-giao-duc/giao-vien-ngu-van-voi-viec-boi-dap-ly-tuong-cach-mang-tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc-cho-hoc-sinh-thpt-ky-1-486.html
https://huyenuy.phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2024_08/image-20240814145521-1.jpeg
Đảng bộ huyện Phú Riềng
https://huyenuy.phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo.gif
Thứ tư - 14/08/2024 03:54
Tóm tắt: Bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng tự hào, tình yêu quê hương, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, nhằm hun đúc niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ (thế hệ cách mạng cho đời sau). Trong giai đoạn hiện nay, chống phá sự sự nghiệp cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thế lực thù địch đã dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn tác động hòng làm nhạt phai lý tưởng, tinh thần tự hào dân tộc, mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng đối với dân tộc trong thế hệ trẻ Việt Nam.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ môn Ngữ văn càng khẳng định vị trí, trách nhiệm của mình trong vấn đề giáo dục con người toàn diện với mục tiêu “giúp học viên khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học; có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và khả năng hội nhập quốc tế”. Theo đó, việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trưởng cũng là một trong những cách thức gần gũi, thiết thực, hiệu quả mà mỗi đảng viên là giáo viên cùng chung tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Học sinh THPT còn gọi là tuổi thanh niên, là giai đoạn phát triển bắt đầu từ lúc dậy thì và kết thúc khi bước vào tuổi người lớn. Tuổi thanh niên cũng thể hiện tính chất phức tạp và nhiều mặt của hiện tượng, nó được giới hạn ở hai mặt: sinh lí và tâm lý. Đây là vấn đề khó khăn và phức tạp vì không phải lúc nào nhịp điệu và các giai đoạn của sự phát triển tâm sinh lý cũng trùng hợp với các thời kỳ trưởng thành về mặt xã hội. Có nghĩa là sự trưởng thành về mặt thể chất, nhân cách trí tuệ, năng lực lao động sẽ không trùng hợp với thời gian phát triển của lứa tuổi. Trong thời đại ngày nay, hoạt động lao động và xã hội ngày càng phức tạp, thời gian học tập của các em kéo dài làm cho sự trưởng thành thực sự về mặt xã hội càng đến chậm. Tuổi học sinh THPT là thời kì đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể. Sự phát triển thể chất đã bước vào thời kì phát triển bình thường, hài hòa, cân đối. Các em có thể làm những công việc nặng của người lớn. Hoạt động trí tuệ của các em có thể phát triển tới mức cao. Tư duy ngôn ngữ và những phẩm chất ý chí có điều kiện phát triển mạnh. Ở tuổi này, các em dễ bị kích thích và sự biểu hiện của nó cũng giống như ở tuổi thiếu niên. Tuy nhiên tính dễ bị kích thích này không phải chỉ do nguyên nhân sinh lý như ở tuổi thiếu niên mà nó còn do cách sống của cá nhân (như hút thuốc lá, không giữ điều độ trong học tập, lao động, vui chơi…). Sự hình thành thế giới quan là nét chủ yếu trong tâm lý thanh niên vì các em sắp bước vào cuộc sống xã hội, các em có nhu cầu tìm hiểu khám phá để có quan điểm về tự nhiên, xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, những định hướng giá trị về con người. Các em quan tâm đến nhiều vấn đề như: thói quen đạo đức, cái xấu cái đẹp, cái thiện cái ác, quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa cống hiến với hưởng thụ, giữa quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm… Tuy nhiên vẫn có em chưa được giáo dục đầy đủ về thế giới quan, chịu ảnh hưởng của tư tưởng bảo thủ lạc hậu như: có thái độ coi thường phụ nữ, coi khinh lao động chân tay, ý thức tổ chức kỉ luật kém, thích có cuộc sống xa hoa, hưởng thụ hoặc sống thụ động…Nhìn chung, ở tuổi này các em đã có ý thức xây dựng lý tưởng sống cho mình, biết xây dựng hình ảnh con người lý tưởng gần với thực tế sinh hoạt hàng ngày. Các em có thể hiểu sâu sắc và tinh tế những khái niệm, biết xử sự một cách đúng đắn trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng có khi các em lại thiếu tin tưởng vào những hành vi đó.
Với lứa tuổi này, vai trò định hướng, giáo dục của giáo viên là vô cùng quan trọng. Nếu như các bộ môn khác cung cấp kiến thức về khoa học tự nhiên, các kiến thức cần có về tâm sinh lý, thì các bộ môn xã hội khác đặc biệt là văn học với bản chất là một loại hình nghệ thuật, văn học hướng đến những giao tiếp nghệ thuật góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người. Từ việc học ngữ văn, học sinh có được vốn liếng nhất định để tiếp nhận, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn của người Việt Nam và khát vọng cống hiến cho tương lai của đất nước.
Trên cơ sở các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình Ngữ văn mới theo khung 2028 được xây dựng trên quan điểm lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực, bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp/lớp. Chương trình được xây dựng theo hướng mở, quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học và quy định một số văn bản quan trọng của văn học dân tộc bắt buộc phải học đối với học sinh toàn quốc. Qua văn bản ngôn từ, đặc biệt là văn bản văn học đặc sắc, môn Ngữ văn tạo cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng tình yêu với Tiếng Việt và Văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam. Ngoài việc góp phần phát triển các năng lực chung, chương trình môn Ngữ văn tập trung giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về Văn học và tiếng Việt để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá. Môn học cũng góp phần hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
(Còn tiếp)