Trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó có sự đóng góp của mảnh đất và con người Bình Phước nói chung, Phú Riềng nói riêng, chúng ta thêm tự hào về những giá trị tinh thần và đặc điểm nhân cách con người Việt Nam. Các thế hệ dân tộc Việt Nam, trong đó có con người Phú Riềng đã gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Phú Riềng đang cùng với cả nước bước vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bối cảnh đó sẽ có tác động không nhỏ tới các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ở nhiều khía cạnh.Thế hệ trẻ Phú Riềng cùng với cả nước cần nhận thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và của quê hương; từ đó tự trau dồi bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, nhân cách xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha ông; đóng góp tài năng và trí lực để cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng trở nên giàu đẹp, văn minh. Các bộ môn khoa học xã hội trong nhà trường nói chung và bộ môn Ngữ văn nói riêng có sứ mệnh giáo dục, chuyển tải đến học sinh những tư tưởng cao đẹp, đúng đắn, có vai trò định hướng lý tưởng sống, bồi đắp trong tâm hồn học sinh những tình cảm nhân văn đối với gia đình, quê hương, nguồn cội. Giáo viên bộ môn Ngữ văn, qua nội dung chương trình giảng dạy, qua việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy học theo dự án, các tiết học tìm về di sản...cần lên kế hoạch cụ thể, lồng ghép các nội dung giáo dục học sinh về truyền thống của mảnh đất và con người Bình Phước, Phú Riềng, từ đó bồi đắp cho thế hệ trẻ niềm tự hào, tình yêu quê hương sâu sắc và xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng quê hương đất nước, giữ gìn và phát huy vẻ đẹp, bản sắc văn hóa của quê hương, dân tộc.
Mặc dù có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt như vậy đối với việc giáo dục học sinh, nhưng trong những năm gần đây, việc dạy và học môn văn đã trở thành vấn đề đáng suy nghĩ cho cả người học, người dạy và cả người quản lí giáo dục. Hiện nay, không chỉ riêng trường THPT Phú Riềng, mà ở các trường THPT nói chung, việc dạy và học môn ngữ văn không được đón nhận nồng nhiệt như các môn học khác. Nguyên nhân đến từ nhiều góc độ, nhưng trước tiên phải xét từ giáo viên: Thầy cô giáo chưa thực sự tạo ra sự cuốn hút học sinh bằng bài giảng của mình. Thầy cô chưa thực sự có nhưng bước ngoặt đột phá trong việc đổi mới phương pháp, vẫn nặng về phương pháp truyền thống thế nên việc dạy và học chưa thực sự hiệu quả. Thực tế còn một số giáo viên chưa nắm chắc những những yêu cầu kiến thức của từng bài dạy. Việc dạy học còn dàn trải, còn nâng cao kiến thức một cách tùy tiện, không lồng ghép nội dung của đất nước, dân tộc để làm phong phú bài giảng nên học sinh dễ nhàm chán.
Để khắc phục thực trạng đáng buồn ấy của bộ môn Ngữ Văn, và làm thế nào để mỗi giáo viên Ngữ Văn đều là một tuyên truyền viên, góp phần giúp các em học sinh THPT có hiểu biết nhất định về Đảng và Nhà nước ta, có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và con đường quá độ lên CNXH. Nội dung bài viết này tôi mạnh dạng đề xuất số biện pháp, cách thức thực hiện như dưới đây.
Thứ nhất, mỗi giáo viên ngoài việc phải tự học tập trau dồi để có kiến thức dồi dào, phong phú, còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đây chính là điều quan trọng nhất đối với những ai đang làm nghề dạy học. Bởi nó chính là cái nền, yếu tố cơ bản tạo nên một tiết dạy thành công về cả kiến thức, kỹ năng và thái độ. Bản thân mỗi giáo viên cần nắm vững những quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, gắn bó mật thiết với nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp. Trong mỗi giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt ngoại khóa cần phải ý thức sâu sắc, tuyên truyền hợp lý, khéo léo đến học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân những kỹ năng, kiến thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để làm được điều đó, mỗi giáo phải không ngừng tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bên cạnh đó, giáo viên phải tích cực học tập lý luận chính trị để trang bị kiến thức, đủ cơ sở lý luận để đấu tranh, phản bác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; xung kích trong công tác tuyên truyền, lan tỏa các thông tin tốt theo phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Mỗi giáo viên còn phải trở thành một tấm gương về trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, không hoang mang dao động trước mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, giáo viên phải thực hiện tốt vai trò nêu gương của mình bằng những hành động thiết thực, cụ thể gắn với công việc và cuộc sống hàng ngày, như: Không lãng phí, xa hoa, không gây mất đoàn kết nội bộ, trung thực, tôn trọng và giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng miễn nhiễm với những luồng thông tin độc hại, để luôn nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường, tăng cường bảo vệ và thường xuyên phản bác.
Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy. Cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng CNTT, đồ dùng dạy học trực quan trong dạy học vì đây là hai yếu tố rất quan trọng để giảm tải các hoạt động của thầy trên lớp, lấy học sinh là trung tâm, học sinh dễ dàng chiếm lĩnh kiến thức, hơn nữa nó còn có tác dụng lôi cuốn, tạo hứng thú trong các tiết dạy. Chúng ta phải đặt mình trong vị trí người học. Nếu như một tuần có từ 4-5 tiết Văn mà giáo viên cứ vào dạy một cách máy móc thì học sinh sẽ rất mau nhàm chán. Từng buổi học, chúng ta phải tự làm mới mình bằng nhiều phương pháp khác nhau. Khi cảm thấy học sinh căng cứng phải cần phải thay đổi phương pháp hoặc có thể kể một câu chuyện vui liên quan đến bài giảng để tạo khoảng nghỉ và thư giãn cho học sinh. Người thầy phải chuẩn bị chu đáo từng câu hỏi, từng bài để gợi mở cho các em tìm tòi, khám phá.
Thứ tư, qua mỗi tiết dạy của mình, giáo viên ngữ văn hãy chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để nhắc nhở động viên kịp thời. Giáo viên hãy trở thành người bạn lớn của học sinh, thường xuyên quan tâm, định hướng tư tưởng, hướng dẫn các em có suy nghĩ, hành động đúng đắn. Chúng ta hãy trở thành “những người truyền lửa” của các em bằng cách động viên khuyến khích, gieo đam mê, ước mơ qua những bài học cuộc sống. Từ đó, học sinh thấy được quá trình học tập của mình không chỉ là tiếp nhận tri thức, ko phải chỉ là thi cử, mà còn là cuộc sống, là ước mơ, là đam mê, là tương lai của chính bản thân mình.
Thứ năm, khuyến khích văn hóa đọc trong học sinh, lấy xây để chống, định hướng tốt đẹp cho các em, xử lý, phân tích, chọn lọc đánh giá thông tin, các em phải biết kiểm chứng khi lượng thông tin tràn lan trên mạng. Phải biết đối chứng, đối chiếu. trích nguồn từ đâu, đâu là báo chí chính thống, là nguồn thông tin đáng tin cậy để truy cập, nghiên cứu, tìm hiểu phục vụ việc dạy và học.
“Văn học Việt Nam mang trong mình bản sắc của một dân tộc với tình yêu đất nước, tình cảm con người và niềm hy vọng vào tương lai”. Nhận định trên đây của nhà văn Nguyễn Tuân đã phần nào nói lên vai trò quan trọng của văn học Việt Nam trong việc bồi đắp cho con người về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào và niềm tin vào tương lai của dân tộc, nhất là đối với học sinh ở lứa tuổi thanh niên. Riêng trong góc độ chuyên môn của mình, mỗi giáo viên Ngữ Văn, chỉ cần phát huy tốt năng lực của mình, truyền tải thông điệp, lý tưởng cao đẹp qua mỗi bài giảng là đã tham gia góp phần vào sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng trong bối cảnh hiện nay.