Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, dám nghĩ – dám làm trong thực hiện nhiệm vụ, cùng phương châm “Lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu nguyện vọng chính đáng của hội viên” hoạt động Hội và phong trào phụ nữ huyện Phú Riềng năm 2024 tiếp tục có nhiều khởi sắc, tạo dấu ấn trong cán bộ hội viên và nhân dân.
Nhiều mô hình tập hợp, thu hút hội viên trong phụ nữ đặc thù được triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá “Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh”.
Thành lập các mô hình tập hợp phụ nữ đặc thù, khó tập hợp ở địa phương gồm: Ra mắt mô hình “Tổ hợp tác làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống người S’Tiêng” trên địa bàn thôn 6, xã Long Tân; Mô hình “1 + 1” xã Long Hà. Mô hình “Đồng hành hướng về chi hội khó khăn” xã Phú Riềng. “Tổ phụ nữ cao tuổi” xã Phước Tân với 52 hội viên; “Tổ Phụ nữ tiểu thương” xã Bù Nho với 98 thành viên; mô hình “Mẹ - con cùng tham gia sinh hoạt Hội” tại Chi hội Thôn Tân Hiệp 2 xã Bù Nho; mô hình “Tổ phụ nữ tôn giáo” xã Phước Tân; mô hình “Câu lạc bộ đàn tính hát then đồng bào dân tộc Nùng” xã Long Bình. Mô hình “câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Gia đình phát triển kinh tế”, “dân vũ” tại các xã: Phú Trung, Bình Tân, Bình Sơn, Long Hưng, Phú Riềng,… Nhờ cách làm linh hoạt, sáng tạo phù hợp tình hình thực tế đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của phụ nữ. Qua đó, tỷ lệ tập hợp phụ nữ trong độ tuổi tham gia vào tổ chức Hội vượt chỉ tiêu cấp trên giao.
Công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong giai đoạn chuyển đổi số được quan tâm thực hiện có trọng tâm.
Thành lập và ra mắt Ban điều hành CLB nữ doanh nhân tiểu thương phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện đồng thời phát triển về cơ sở. Tổ chức hướng dẫn quảng bá giới thiệu sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp, gian hàng trưng bày quảng bá sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp. Tổ chức Ngày hội Phụ nữ Phú Riềng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Chương trình Hỗ trợ xây dựng và quảng bá sản phẩm OCOP do phụ nữ khởi nghiệp… Tham gia chương trình các thành viên được hướng dẫn xây dựng, phát triển kênh, các bước sáng tạo nội dung video; quy trình vận hành, phương thức và tối ưu hiệu quả bán hàng trên nền tảng số; các giải pháp livestream thu hút người xem và khách hàng; cách thức truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động livestream. Tạo điều kiện cho nữ doanh nhân, nữ tiểu thương, phụ nữ khởi nghiệp có môi trường để giao lưu, chia sẻ, kết nối và hỗ trợ nhau cùng phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phong trào dân vũ thể thao đã thực sự lan tỏa trong đời sống và thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi hội viên phụ nữ, là niềm tự hào của Phụ nữ Phú Riềng.
Tiếp tục khơi gợi, phát huy mạnh mẽ các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong hội viên phụ nữ, nhất là thể loại dân vũ thể thao; tạo được tính lan tỏa sâu rộng đến từng tổ, từng khu dân cư tạo thành phong trào rộng khắp, khí thế sôi nổi. Đó không chỉ là phong trào mà còn là một kênh hiệu quả để tập hợp thu hút hội viên, nhất là hội viên đặc thù tham gia vào Hội.
Với 112 câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm hoạt động trên tiêu chí tự nguyện tự quản, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, sở thích của hội viên, với đa thể loại, hình thức sinh hoạt. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được các cấp Hội phụ nữ huyện Phú Riềng quan tâm đẩy mạnh phát triển cả số lượng và chất lượng đã thực sự tạo thành nét đặc sắc riêng nổi bật của phụ nữ Phú Riềng. Đó có lẽ không chỉ là phong trào mà đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi hội viên phụ nữ, là niềm tự hào của Phụ nữ Phú Riềng.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” lan tỏa ý nghĩa nhân văn, nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều tập thể, cá nhân doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài huyện.
Đến nay, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở vận động nhận đỡ đầu cho 58 trẻ mồ côi với số tiền từ 200.000đ đến 2 triệu đồng/trẻ em/tháng (chiếm trên 50% tỷ lệ trẻ em mồ côi được các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh nhận đỡ đầu). Tổ chức thành công chương trình tôn vinh, tuyên dương “Mẹ đỡ đầu – điểm tựa yêu thương”. Chương trình đã tôn vinh 37 “Mẹ đỡ đầu” đã đồng hành cùng các cấp Hội phụ nữ huyện Phú Riềng trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” thời gian vừa qua. Thông qua đó nhằm tiếp tục lan tỏa ý nghĩa nhân văn từ chương trình, kết nối giúp đỡ được nhiều hơn các trẻ em mồ côi.
Nhiều mô hình, việc làm hiệu quả chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng Nông thôn mới.
Hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch", “5 có 3 sạch” trong xây dựng nông thôn mới; Đề án “Xây dựng khu dân cư sạch mọi nơi đẹp mọi chỗ” do các cấp Hội phát động, Theo đó, mỗi hộ gia đình phụ nữ hăng hái tích cực trồng hoa, trồng cây xanh trong hoặc trước nhà; tham gia bảo vệ cây xanh tại các khu dân cư, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; hạn chế sử dụng túi nilon; thực hành tiết kiệm điện, nước trong tiêu dùng; thực hiện việc phân loại rác thải tại hộ gia đình.
Cùng với triển khai xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và cơ sở còn chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về môi trường, về xây dựng nông thôn mới. Các chương trình, kiến thức về bảo vệ môi trường được chuyển tải đến hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức như: tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt câu lạc bộ.
Triển khai thực hiện mô hình “Lò đốt rác quy mô hộ gia đình” trên địa bàn 03 xã Phú Trung, Phước Tân, Long Hưng với 166 lò. Mô hình “Thùng rác ủ men vi sinh xử lý rác hữu cơ” tại 4 xã trên địa bàn huyện. Mô hình “Tuyến đường hoa phụ nữ”, mô hình “Đổi rác nuôi heo đất” giúp đỡ trẻ em, phụ nữ nghèo… được triển khai trong các cấp Hội và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của hội viên góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn mới.
Với những dấu ấn quan trọng, các cấp hội phụ nữ huyện Phú Riềng đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân xây dựng huyện Phú Riềng phát triển - thân thiện - nghĩa tình./.