TỪ THÔNG ĐIỆP “VĂN HÓA” TRONG BÀI VIẾT CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG, BÀN VỀ CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA HUYỆN PHÚ RIỀNG
2025-01-20T21:51:30-05:00
2025-01-20T21:51:30-05:00
https://huyenuy.phurieng.binhphuoc.gov.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tu-thong-diep-van-hoa-trong-bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ban-ve-cong-tac-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-huyen-phu-rieng-681.html
https://huyenuy.phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2025_01/image-20250121095101-2.jpeg
Đảng bộ huyện Phú Riềng
https://huyenuy.phurieng.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo.gif
Thứ hai - 20/01/2025 21:50
Tóm tắt: “Phát triển văn hóa hài hòa ngang tầm với phát triển kinh tế, và phát triển văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, ngay sau nhiệm vụ ưu tiên phát triển kinh tế” là thông điệp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng". Quan điểm chỉ đạo đó đã và đang được triển khai thực hiện trong cả nước nói chung và huyện Phú Riềng nói riêng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trước nguy cơ “xâm lăng văn hóa” - thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Đất nước Việt Nam trải qua hơn 4 nghìn năm lịch sử, cùng với sự hòa quyện của 54 dân tộc anh em đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa riêng của dân tộc, góp phần tạo nên nền văn hóa chung của toàn nhân loại. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ đã mở ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa, con người Việt Nam, tuy nhiên cũng kéo theo không ít khó khăn, thách thức, nhất là nguy cơ “xâm lăng văn hóa”. Trong bối cảnh đó, những thông điệp về văn hóa trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" của GS. TS. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thêm sức mạnh, định hướng toàn diện, sâu sắc hơn cho hành trình phát triển văn hóa hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam“giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.
Bàn về văn hóa, Hồ Chí Minh viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Quan điểm trên của Bác cho thấy, văn hóa không chỉ là lĩnh vực tinh thần, văn hóa chính là đời sống lao động sáng tạo gắn với phương thức tổ chức đời sống của xã hội loài người. Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ.
Từ vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với mỗi quốc gia, dân tộc
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Khái niệm “nền tảng tinh thần” được hiểu là không gian tinh thần của cộng đồng, bầu không khí tinh thần, khí thế của đông đảo quần chúng nhân dân và của cộng đồng dân tộc, hệ tư tưởng tình cảm, niềm tin, khát vọng của con người, các quan niệm đạo lý, pháp lý đạt chuẩn mực chân, thiện, mỹ … Lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã chứng minh vai trò đặc biệt của văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần đã tạo nên sức mạnh kỳ diệu giúp dân tộc ta sinh tồn và phát triển, thấm nhuần trong mỗi con người và cả dân tộc. Đây chính là cốt cách, bản lĩnh, tâm hồn Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc ta trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Đảng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nghĩa là đề cao, coi trọng nguồn lực văn hóa, các giá trị văn hóa là “tài sản” vô giá, vô tận cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở tinh thần cho sự ổn định xã hội và sự bền vững của chế độ.
Là mục tiêu, động lực của công cuộc đổi mới
Không chỉ dừng lại ở việc coi văn hóa là nền tảng của xã hội, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư còn khẳng định: Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Đây là sự tiếp nối, kế thừa quan điểm của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Bản chất của văn hóa là sáng tạo vươn lên các giá trị chân, thiện, mỹ cao đẹp, tạo nên tinh thần nhân văn cho con người, đem hạnh phúc đến cho mỗi người và toàn nhân loại. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nhằm mang lại cho con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; có điều kiện phát triển toàn diện. Cho nên, một nền văn hóa đạt trình độ cao chính là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hiện nay, ở nước ta, văn hóa không chỉ hiện hữa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội mà còn là tiêu chí để đanh giá hoạt động công vụ như văn hóa công sở, đặc biệt là văn hóa trong Đảng. Đảng là bộ phận tiên tiến của xã hội. Vậy nên, Đảng càng văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm động lực. Như vậy khi văn hóa được quan tâm, chú trọng thì sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, trở thành động lực của sự phát triển.
Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng đó, Tổng Bí thư đã nhắc nhở trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị và xã hội, văn hóa phải được đặt ngang hàng. Văn hóa chứa đựng trong mọi hoạt động của con người, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần, từ văn hóa cá nhân đến văn hóa gia đình và cộng đồng, từ văn hóa chính trị đến văn hóa giáo dục, văn hóa nghệ thuật, văn hóa khoa học tới văn hóa tâm linh, phong tục, tập quán. Giữa văn hóa với kinh tế, chính trị và xã hội có quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau. Văn hóa không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế.
Đến nguy cơ “xâm lăng văn hóa” trong bối cảnh toàn cầu hóa
Thời gian qua, các thế lực thù địch mở rộng, đẩy mạnh “xâm lăng văn hóa”, tập trung vào công kích, xuyên tạc, bôi nhọ, tạo ra sự mâu thuẫn về nhận thức tư tưởng của nhân dân đối với quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thâm độc hơn là nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng. Chúng triệt để lợi dụng internet, các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền cỗ vũ cho lối sống thực dụng, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, các biểu hiện lệch lạc, lối sống lai căng vào cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đó đặc biệt là thế hệ trẻ; phủ nhận những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Hậu quả dễ dàng nhận thấy do “xâm lăng văn hóa” tạo ra đó là sự tác động đến tư duy, nhận thức và tâm lý, tình cảm của người trẻ: nhiều thanh niên thời nay không mặn mà, thiết tha với lịch sử, với văn hóa nước nhà; không hiểu thế nào là nghệ thuật cổ truyền, những nét đặc sắc về văn hóa của 54 dân tộc anh em... Nhưng họ lại rất say sưa với những trào lưu mới, đắm chìm trong những giai điệu và ca từ phản cảm, dung tục… Vì vậy, việc tăng cường bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống là giải pháp tới ưu để phòng ngừa, hạn chế các hiện tượng sùng ngoại, lai căng, ngăn chặn “xâm lăng văn hóa” góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. (Còn tiếp)
Ảnh Phạm Yến: Ngày hội đại toàn kết toàn dân ở xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng
Ảnh Vũ Nguyện: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Đền thờ Vua Hùng xã Phú Riềng
Tác giả: VP Huyện ủy
Nguồn tin: Nguyễn Thị Lan Anh - Hồ Dạ Thảo